KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5/2023.
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5/2023.
Đăng ngày: 30/05/2023
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5
Chiều ngày 11/5/2023, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức buổi Kỷ niệm 58 năm ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5/1965 – 12/5/2023) với sự tham gia của Ban Giám đốc Bệnh viện, Lãnh đạo các khoa phòng và toàn thể Điều dưỡng, Kỹ thuật viên đang công tác tại Bệnh viện nhằm tôn vinh công lao vĩ đại của bà Florence Nightingale (1820-1910) – Người đã khai sinh ra ngành Điều dưỡng với biểu tượng cây đèn dầu đã lay động trái tim mỗi người và gửi thông điệp sâu sắc đến tất cả Điều dưỡng viên về vai trò quan trọng của công tác Điều dưỡng. Đồng thời, tôn vinh những hy sinh to lớn, góp phần cho sự phát triển Bệnh viện của tất cả Điều dưỡng, Kỹ thuật viên ở Bệnh viện nói riêng và toàn ngành nói chung.
Mở đầu buổi Kỷ niệm, các Điều dưỡng đã đem tiếng hát ngọt ngào của mình cùng với nhiều bài hát ý nghĩa về ngành Y để chúc mừng cho ngày Quốc tế Điều dưỡng.
Tại buổi Kỷ niệm, Ban Giám đốc Bệnh viện cũng đã dành những lời động viên chân thành nhất để ghi nhận sự đóng góp to lớn của các Điều dưỡng và Kỹ thuật Y tại Bệnh viện. Ban Lãnh đạo mong các Điều dưỡng, Kỹ thuật viên hãy luôn yêu nghề, nỗ lực và phát huy cái tâm, cái tài hơn nữa cho ngành Y. Sau đó, Ban lãnh đạo đã trao bó hoa tươi thắm cho toàn thể Điều dưỡng, Kỹ thuật viên hy vọng họ đem sức trẻ của mình mà phục vụ thật hiệu quả cho công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Và cũng tại đây, các bài phát biểu cảm nhận về ngành Điều dưỡng của đại diện Điều dưỡng, Kỹ thuật viên đã vang lên trong sự chú ý lắng nghe của tất cả anh chị em trong Hội trường.
TÂM SỰ NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
Kính thưa Ban Giám đốc Bệnh viện cùng toàn thể quý đồng nghiệp thân mến !
Hiện tại, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa có 124 nhân viên, trong đó có 43 nhân viên là Điều dưỡng. Và tôi nằm trong số này. Tôi bước vào nghề cũng đã 14 năm, tôi cũng đã hiểu những nỗi vất vả mà nghề Điều dưỡng phải đối diện và trải qua. Nghề mà thời gian ở trên Bệnh viện, ở cạnh bệnh nhân nhiều hơn ở cạnh gia đình, người thân. Nghề mà mỗi khi bố mẹ, con cái hay người thân cần mình chăm sóc thì bản thân không thể kề cận, phần lớn lại phải thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện mà mọi người thân ái gọi cho hai tiếng là “sứ mệnh”. Để nói về những nỗi vất vả đó, tôi không thể quên cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong suốt hơn 02 năm vừa qua. Trong thời gian ấy, với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành Y là một trong những tuyến đầu, nòng cốt chính trong công tác chống dịch, lực lượng Điều dưỡng là đội ngũ không thể thiếu trên tuyến đầu đó. Cùng với cả nước chống dịch, anh chị em Điều dưỡng chúng tôi đã tham gia chiến đấu vào một trận chiến đặc biệt, một trận chiến không tiếng súng đạn mà thay vào đó là tiếng còi xe inh ỏi, tiếng máy thở, tiếng than kêu của người bệnh mỗi ngày. Nơi chúng tôi nhìn thấy, chứng kiến và cảm nhận được những nỗi đau, những mất mát của người dân vô tội trước đại dịch COVID-19: Con mất cha mẹ, cháu mất ông bà, nơi đâu cũng là tiếng khóc bi thương do COVID-19 để lại, nhìn mà xót xa vô cùng! Nhớ lại những ngày đầu, đối diện với nhiều ca bệnh nhiễm COVID-19 nặng, chứng kiến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, làm việc liên tục 24/24h, đội ngũ Y Bác sĩ và Điều dưỡng tại Bệnh viện đã không ngần ngại sức khỏe, tính mạng bản thân, sẵn sàng hy sinh niềm vui bên gia đình, người thân mà lao vào cuộc chiến COVID-19 sinh tử. Họ quên cả ăn, quên cả ngủ, quên cả mệt chỉ mong cho bệnh nhân mau khỏe lại và về sum họp với gia đình. Vất vả, cực khổ là thế đó nhưng đội ngũ ấy cùng toàn thể nhân viên Bệnh viện không phàn nàn, đã cống hiến hết mình để phòng chống đại dịch COVID-19. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã góp phần ngăn chặn được đại dịch lịch sử ấy. Để hôm nay, chúng tôi và tất cả nhân dân lại có cuộc sống yên bình. Cuộc chiến đặc biệt ấy đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, một bước ngoặt đáng nhớ trong sự nghiệp của bản thân. Chúng tôi rất tự hào mình là Điều dưỡng, là người chăm sóc cho người bệnh khi họ đến viện, góp phần quan trọng vào sự thành công cho quá trình điều trị của người bệnh. Đội ngũ Điều dưỡng tại bệnh viện đã khẳng định vị thế của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Bệnh viện trong công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lời sau cùng, tôi trân trọng cám ơn Ban Giám đốc, quý đồng nghiệp đã lắng nghe. Tôi chúc cho tất cả nhân viên đang công tác tại Bệnh viện dồi dào sức khỏe, “Thành công, thành công, đại thành công”.
Đó là những tâm sự đầy nhiệt huyết của một Điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Buổi kỷ niệm đã góp phần khơi dậy niềm tự hào nghề nghiệp trong mỗi Điều dưỡng, Kỹ thuật viên tại Bệnh viện. Buổi kỷ niệm kết thúc thành công tốt đẹp bằng tràng pháo tay phấn khởi của tất cả nhân viên đã tham dự./.