Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025.
Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025.
Đăng ngày: 24/01/2022
Bộ Y tế đặt mục tiêu tổng quát là: Ứng dụng CNTT y tế, bảo đảm an toàn thông tin mạng đặt trọng tâm vào Chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể là:
1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước:
a) 80% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.
b) 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
c) 100% đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế sử dụng phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
d) 100% các chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia.
đ) Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
e) 100% công tác báo cáo thống kê y tế tổng hợp được thực hiện qua phần mềm Thống kê y tế. g) 100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia Mạng kết nối y tế Việt Nam.
h) 100% quản lý tiêm chủng thông qua nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia.
i) Đến năm 2025, hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong y tế phù hợp với định hướng 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp:
a) 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.
b) 80% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử của Bộ Y tế được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất.
c) 100% thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
d) Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…được công khai trên cổng. đ) Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.
3. Bảo đảm an toàn thông tin:
a) 100% máy chủ, máy trạm của các đơn vị được cài đặt, bảo vệ bởi phần mềm diệt virus.
b) 100% hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị xác định và có phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
c) Tổ chức diễn tập an toàn thông tin định kì một năm một lần cho các đơn vị ngành y tế.
d) 100% đơn vị thực hiện và duy trì bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin theo mô hình "4 lớp".
đ) 100% đơn vị thực hiện hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo và nhân viên thuộc đơn vị quản lý theo định kỳ.
4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh:
a) 100% các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử và thanh toán không tiền mặt; trong đó 100% bệnh viện hạng I trở lên ứng dụng bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
b) 30% các bệnh viện hình thành hệ thống bệnh viện không giấy tờ.
c) 70% các bệnh viện triển khai nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến.
d) Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên các ứng dụng di đông đạt 60%.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe nhân dân:
a) 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với các hệ thống thống tin bệnh viện và hệ thống phần mềm quản lý trạm y tế xã.
b) 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế, kết nối liên thông với các hệ thống ID y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.