HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH HIV/AIDS 01/12.
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH HIV/AIDS 01/12.
Đăng ngày: 01/12/2024
Hiện nay, HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người. Đại dịch HIV/AIDS còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội và đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Tại Việt Nam, hiện đang có hơn 220.000 người nhiễm HIV. Hai năm qua, mỗi năm có hơn 13.000 trường hợp phát hiện mới. Trong đó, 50% là những người trẻ dưới 29 tuổi.
I.HIV/AIDS là gì:
HIV: Là cụm từ viết tắt của cụm từ Human Immuno-deficiency Virus (Virus gây suy giảm miễn dịch ở người)
AIDS: là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Acquired Immuno Deficiency Syndrom (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải)
Ngày Thế giới Phòng chống AIDS (1 tháng 12 hàng năm) là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS và khuyến khích các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
II.Triệu chứng lâm sàng: HIV có 4 giai đoạn lâm sàng:
- Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kì cửa sổ): thường không có triệu chứng hoặc các triệu chứng có thể nhẹ khiến người bệnh không chú ý.
- Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: thường không có biểu hiện triệu chứng, điều này làm cho người bệnh hoặc người xung quanh khó có thể phát hiện ra nếu không làm các xét nghiệm chẩn đoán. Người bệnh hoàn toàn có thể khoẻ mạnh trong 5-10 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình.
- Giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng (cận AIDS): Giai đoạn này người bệnh bắt đầu có những biểu hiện toàn thân điển hình hoặc không điển hình gợi ý đến tình trạng suy giảm miễn dịch như: hạch to toàn thân, mệt mỏi, gầy sút cân, suy kiệt, sốt hoặc tiêu chảy kéo dài..
- Giai đoạn AIDS: Biểu hiện các triệu chứng: Hội chứng suy mòn do HIV, gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể), sốt, tiêu chảy, ho kéo dài, xuất hiện nhiều bệnh lý mới như: viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân. Người bệnh nhanh chóng tử vong tuỳ theo điều kiện chăm sóc và điều trị.
- III. Các đường lây truyền HIV/AIDS:
- Tình dục: Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục.
- Đường máu: HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm HIV đều làm cho bạn bị lây nhiễm HIV.
Riêng về ma tuý, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma tuý dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện có nhiễm HIV
- Từ mẹ sang con: Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, hoặc qua sưa mẹ khi mẹ cho con bú.
- IV. Cách phòng tránh:
HIV là bệnh không chữa được nhưng lại có thể phòng ngừa. Dưới đây là những cách giúp bạn có thể phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS:
- Phòng nhiễm HIV lây qua đường tình dục:
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV.
- Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu:
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...
- Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con:
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
Hiện nay, vẫn chưa có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh HIV/AIDS, vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc xin để phòng ngừa HIV/AIDS một cách hiệu quả. Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI KHÁNH HÒA
Địa chỉ: đường 23 tháng 10 – Phú Ân Nam 1 – Diên An – Diên Khánh – Khánh Hòa
Số điện thoại: 0258 3761767
Địa chỉ website: https://bvnhietdoikh.vn